Chu Kỳ Kinh Nguyệt & Điều Bạn Cần Biết
"Ngày đèn đỏ", "tới tháng", "đến tháng" hay "rụng dâu" dường như là quá bình thường và quen thuộc với hội bạn gái chúng mình nhưng liệu có bao nhiêu bạn trả lời được chu kỳ kinh nguyệt là gì, cách tính chu kỳ kinh nguyệt ra sao hay dấu hiệu có kinh nguyệt diễn ra như thế nào? Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, hãy cùng Kotex theo dõi bài viết sau nhé!
Tham khảo: Cách tính ngày an toàn trong chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Là sự kiện diễn ra hàng tháng nhưng không phải bạn gái nào cũng trả lời được ngày đèn đỏ là gì hay tới tháng là gì. Thật ra, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là một hiện tượng sinh lý tính từ thời điểm dậy thì cho đến khi mãn kinh. Theo đó, do sự tụt giảm đột ngột estrogen hoặc progesterone mà tử cung của người phụ nữ sẽ có tình trạng chảy máu mang tính định kỳ.
Chu kỳ kinh nguyệt của con gái diễn ra đều đặn hàng tháng là do có sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, trật tự và phức tạp của hệ thống nội tiết sinh sản bên trong cơ thể người phụ nữ bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng.
Theo bác sĩ Tú Linh:
Trong cơ thể người phụ nữ, trục nội tiết giúp điều hoà chu kỳ kinh nguyệt và hoạt động sinh sản của người phụ nữ là trục hạ đồi- tuyến yên- buồng trứng. Bắt đầu từ cuối chu kỳ kinh này đến đầu chu kỳ kinh tiếp theo, vùng hạ đồi sẽ tiết ra các xung GnRH ( Gonadotrophin Releasing Hormone) đến tuyến yên, kích thích tuyến yên tiết ra FSH ( Follicle Stimulating Hormone) và LH ( Luteinizing Hormone). FSH và LH sẽ đến buồng trứng, kích thích buồng trứng tiết ra nội tiết tố nữ estrogen và progesterone , và kích thích các nang noãn gây rụng trứng. Nội tiết tố nữ estrogen và progesterone sẽ tác động lên tử cung , tuyến vú và các cơ quan sinh dục thứ phát khác.
Khi có một rối loạn bất kỳ của quá trình hoạt động này sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt cũng như ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Vì vậy, bạn cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để nhận biết tình trạng sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe cơ thể.
Tham khảo: Cách tính ngày rụng trứng cho chu kì kinh nguyệt 35-40 ngày
2. Cách tính chu kỳ kinh nguyệt
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt khá đơn giản nhưng bạn cần đảm bảo theo dõi liên tục trong 4 - 6 tháng. Vậy chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày nào? Chu kỳ kinh nguyệt được tính bắt đầu từ ngày hành kinh đầu tiên của chu kỳ này đến ngày đầu hành kinh của chu kỳ kế tiếp. Tính từ lúc có kinh cho đến ngày trước ngày có kinh của kỳ kinh sau là bao nhiêu ngày thì chu kỳ kinh tháng đó của bạn có bấy nhiêu ngày.
Ví dụ: Bạn có kinh vào ngày 5/6 và kỳ kinh tiếp theo có vào ngày 2/7 thì vòng kinh của bạn được tính từ ngày 5/6 đến ngày 1/7, tức là vòng kinh 27 ngày.
3. Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày?
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường diễn ra theo vòng đều từ 28 - 30 ngày. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số bạn gái có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hay chu kỳ kinh nguyệt dài hơn.
3.1 Chu kỳ kinh nguyệt ngắn:
Khi chu kỳ kinh nguyệt chỉ có 20 ngày hoặc thấp hơn thì được xem là vòng kinh sớm, hay còn gọi là chu kỳ kinh nguyệt ngắn.
3.2 Chu kỳ kinh nguyệt dài:
Khi chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn 35 ngày hoặc dài hơn thì được xem là vòng kinh thưa, hay còn gọi là chu kỳ kinh nguyệt dài.
Theo Bác sĩ Tú Linh cho biết rằng:
Chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ được xem là bình thường khi có tính chu kỳ khoảng 24-35 ngày, thời gian hành kinh khoảng 3-7 ngày, lượng máu kinh vừa phải không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phụ nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt dù ngắn hay dài nhưng cố định hàng tháng thì bạn cũng không cần quá lo ngại đâu. Tuy nhiên, nếu trước đây bạn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, đều đặn và đột nhiên kinh nguyệt bất thường thì bạn nên quan sát và xin ý kiến từ các bác sĩ chuyên môn để hạn chế ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nhé. Tham khảo: Chu kỳ kinh nguyệt và những kiến thức cơ bản bạn gái cần biết
4. Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Trải qua bao nhiêu năm với ngày đèn đỏ nhưng bạn có biết một chu kỳ kinh nguyệt diễn ra như thế nào không? Cùng tìm hiểu dưới đây nhé!
4.1 Giai đoạn kinh nguyệt (Hành kinh)
Giai đoạn kinh nguyệt là giai đoạn lớp niêm mạc của tử cung (nội mạc tử cung) được loại bỏ ra khỏi cơ thể qua ngả âm đạo. Dịch kinh nguyệt chứa máu, tế bào từ niêm mạc tử cung và dịch nhầy. Kỳ hành kinh thường kéo dài trung bình khoảng từ 3 - 5 ngày.
4.2 Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn nang trứng bắt đầu diễn ra vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc bằng sự rụng trứng. Dưới tác động của vùng dưới đồi (hypothalamus), tuyến yên tiết ra hormone kích thích nang trứng (FSH). Hormone này kích thích buồng trứng sản xuất khoảng 5 đến 20 nang trứng.
Mỗi nang trứng chứa một quả trứng chưa trưởng thành. Thông thường, chỉ có một nang trứng phát triển thành trứng trưởng thành. Sự phát triển của các nang trứng kích thích niêm mạc tử cung dày lên tạo điều kiện thuận lợi cho trứng đã thụ tinh làm tổ.
Tham khảo: Đau bụng kinh nên uống gì?
4.3 Giai đoạn rụng trứng
Trong giai đoạn tiếp theo, nang trứng phát triển dẫn đến sự gia tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Vùng dưới đồi trong não nhận ra sự gia tăng này và tiết ra một chất hóa học gọi là hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Hormone này thúc đẩy tuyến yên sản xuất ra hormone luteinising (LH) và FSH nhiều hơn trước.
Trong vòng hai ngày, nồng độ LH cao trong cơ thể sẽ kích hoạt sự rụng trứng. Trứng được phóng vào ống dẫn trứng và đưa về phía tử cung bởi những sợi lông nhỏ trong lòng ống. Sau khi rụng, trứng chỉ tồn tại trong khoảng 24 giờ. Nếu không được thụ tinh trong khoảng thời gian này, trứng sẽ chết.
Lưu ý: Nếu chưa muốn có thai, bạn cần phải tìm hiểu về dấu hiệu rụng trứng, cách tính ngày rụng trứng hay dùng que thử rụng trứng để có thể quan hệ an toàn như mong muốn nhé! Tham khảo: Rụng trứng là gì: cách tính ngày rụng trứng và dấu hiệu nhận biết
4.4 Giai đoạn hoàng thể
Trong quá trình rụng trứng, trứng thoát ra từ nang trứng, nhưng nang trứng bị vỡ vẫn nằm trên bề mặt buồng trứng. Trong hai tuần tới hoặc có thể lâu hơn, nang trứng biến đổi thành một cấu trúc được gọi là hoàng thể. Cấu trúc này bắt đầu giải phóng progesterone cùng với một lượng nhỏ estrogen. Sự kết hợp của các hormone này giúp lớp niêm mạc tử cung dày lên, chờ trứng được thụ tinh làm tổ.
Trứng sau khi được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung sẽ tạo ra các hormone cần thiết để duy trì hoàng thể bao gồm gonadotropin màng đệm ở người (HCG). Hormone này chỉ được phát hiện khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu thai kỳ. Hoàng thể tiếp tục gia tăng việc sản xuất progesterone ở mức cần thiết để duy trì niêm mạc tử cung dày lên nhằm phục vụ cho quá trình mang thai.
Nếu quá trình làm tổ không diễn ra, hoàng thể sẽ teo và chết đi, dẫn đến sự sụt giảm nồng độ progesterone. Điều này khiến niêm mạc tử cung bị bong ra, thoát ra cùng cùng dịch nhầy và máu. Đây chính là hiện tượng "tới tháng" mà hội bạn gái chúng mình thường hay nhắc đến.
5. Các dấu hiệu sắp có kinh nguyệt dễ nhận biết nhất
Chắc hẳn ai trong hội bạn gái chúng mình cũng ít nhất một lần gặp rắc rối khi "ngày đèn đỏ" ghé thăm bất chợt. Vì thế, hãy theo dõi các dấu hiệu có kinh nguyệt dưới đây để chủ động chuẩn bị và luôn tự tin sải bước nhé!
-
Khó chịu ở vùng bụng
-
Dịch tiết âm đạo bất thường
-
Tâm trạng thất thường
-
Căng tức ngực
-
Đau mỏi lưng
-
Mất ngủ
-
Các vấn đề ở đường tiêu hóa
-
Mụn xuất hiện trên da
Trong những ngày "đến tháng", hội bạn gái chúng mình thường phải chịu đựng rất nhiều cảm giác khó chịu. Vì thế, việc trang bị các kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt cũng là cách giúp các bạn gái chúng mình hiểu, cảm thông, yêu thương và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Và cũng đừng quên xây dựng lối sống khoa học, vận động nhẹ nhàng, ăn uống hợp lý kết hợp sử dụng sản phẩm băng vệ sinh Kotex chất lượng cho mình nữa nhé!