18 tuổi kinh nguyệt không đều có sao không? Nguyên nhân và biểu hiện
Kinh nguyệt không đều là một trong những biểu hiện của tình trạng rối loạn kinh nguyệt rất thường gặp ở nữ giới, nhất là những bạn gái đang bước vào tuổi dậy thì. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chủ yếu là do các vấn đề về sinh lý ở nữ giới, nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm. Vậy con gái 18 tuổi kinh nguyệt không đều có thật sự đáng lo ngại? Nên làm gì để giúp cân bằng chu kỳ kinh nguyệt? Hãy cùng Kotex tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 18 trong bài viết dưới đây.
Thế nào là chu kỳ kinh nguyệt?
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ được điều hoà hoạt động bởi sự thay đổi phức tạp của nồng độ hormone nội tiết trong cơ thể, chúng có mối liên quan mật thiết với chu kỳ hoạt động của buồng trứng. Khoảng 2 tuần trước khi có kinh, trứng sẽ rụng khỏi buồng trứng và di chuyển qua ống dẫn trứng vào tử cung. Ở giai đoạn này, nếu không gặp tinh trùng và diễn ra quá trình thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung sẽ bị phá vỡ và bong ra, sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể qua âm đạo và hình thành kinh nguyệt.
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể bắt đầu ở độ tuổi trung bình là 12 hoặc có thể sớm hơn vào lúc 8 tuổi và muộn nhất lúc 16 tuổi. Hiện tượng này lặp lại theo chu kỳ hàng tháng và kéo dài đến khi phụ nữ bước sang tuổi mãn kinh. Một chu kỳ kinh nguyệt được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt này cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Thời gian hành kinh thường kéo dài khoảng 3 - 5 ngày, lượng máu kinh mất ở mỗi chu kỳ khoảng 50 - 150ml, có màu đỏ tươi và không có mùi nồng hoặc hôi tanh.
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường kéo dài từ 22 – 35 ngày (Nguồn: Sưu tầm)
Dấu hiệu kinh nguyệt không đều ở tuổi 18?
Với các bạn nữ khỏe mạnh, mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 22 – 35 ngày, phổ biến nhất là khoảng 28 – 32 ngày. Tuy nhiên, nếu chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 35 ngày hoặc ít hơn 22 ngày, có nghĩa là vòng kinh của bạn không đều. Ngoài ra, con gái 18 tuổi kinh nguyệt không đều cũng có thể dễ dàng nhận biết thông qua các dấu hiệu sau đây:
Mất kinh nguyệt
Mất kinh nguyệt hay vô kinh là một trong các biểu hiện của kinh nguyệt không đều:
- Vô kinh nguyên phát: Là trường hợp tuổi bắt đầu có kinh đến muộn so với thời gian bắt đầu kinh nguyệt trung bình ở tuổi dậy thì khoảng từ 11 - 18 tuổi.
- Vô kinh thứ phát: Là tình trạng kinh nguyệt đang theo chu kỳ đều đặn hàng tháng nhưng đột nhiên không thấy kinh nguyệt xuất hiện. Thời gian xác nhận vô kinh thứ phát ở phụ nữ có kinh nguyệt đều là 3 tháng trở lên, người có kinh nguyệt không đều là 6 tháng.
- Vô kinh giả: Hay còn gọi là bế kinh, là tình trạng máu kinh vẫn có nhưng do màng cổ tử cung bị dính hoặc màng trinh kín nên máu kinh không chảy ra ngoài.
Băng kinh
Bằng kinh là hiện tượng máu kinh trong chu kỳ kinh nguyệt ra rất nhiều, mỗi ngày có thể lên đến 150ml hoặc. Hiện tượng này có thể kéo dài trong suốt kỳ kinh nguyệt, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, choáng váng, đôi khi có thể bị ngất xỉu.
Ra ít máu kinh
Ra ít máu kinh cũng là một biểu hiện của kinh nguyệt không đều, với tình trạng lượng máu kinh đột ngột giảm hoặc ra ít hơn so với các chu kỳ trước. Theo đó, thời gian hành kinh bình thường kéo dài 3 - 5 ngày, lượng máu kinh mất khoảng 50 - 150ml/chu kỳ. Trong đó, hiện tượng ra ít máu kinh số ngày “đèn đỏ” chỉ khoảng 2 ngày và lượng máu kinh mất giảm còn 20 - 30ml/chu kỳ.
Hiện tượng ra ít máu kinh số ngày “đèn đỏ” chỉ khoảng 2 ngày, lượng máu kinh mất giảm còn 20 - 30ml/chu kỳ (Nguồn: Sưu tầm)
Rong kinh
Rong kinh là hiện tượng thời gian xuất hiện kinh nguyệt đúng theo từng tháng, tuy nhiên mỗi kỳ kinh lại kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh mất đi vượt quá 80ml/chu kỳ và đi kèm với những cơn đau ở phần bụng dưới.
Thiểu kinh
Thiểu kinh cũng là dấu hiệu của hiện tượng kinh nguyệt không đều, với lượng máu kinh ra rất ít, nhỏ giọt trong mỗi chu kỳ kinh, đôi khi không xuất hiện kinh nguyệt trong vài tháng. Số ngày hành kinh ngắn chỉ khoảng 2 ngày hoặc ít hơn, lượng máu kinh dưới 30ml/chu kỳ.
Thống kinh
Thống kinh là hiện tượng tử cung co bóp để tống máu ra ngoài, vì vậy trong những ngày hành kinh, hầu hết phụ nữ đều cảm thấy các cơn đau tức lan tỏa khắp vùng bụng dưới. Đôi lúc còn đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, đau lưng, đau đầu, bủn rủn tay chân, sốt nhẹ, thay đổi cảm xúc và rối loạn tiêu hóa.
Hiện tượng thống kinh thường đi kèm các cơn đau tức lan tỏa khắp vùng bụng dưới, mệt mỏi, sốt nhẹ (Nguồn: Sưu tầm)
Vì sao con gái ở tuổi 18 thường có kinh nguyệt không đều?
Kinh nguyệt không đều là một hiện tượng không hiếm gặp ở nữ giới tuổi 18. Nguyên nhân có thể là do sự mất cân bằng các hormone nội tiết trong cơ thể và hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Từ đó dẫn đến trình trạng 18 tuổi kinh nguyệt không đều và kèm theo các triệu chứng bất thường khác như đau bụng kinh, ra nhiều hoặc ít máu kinh, suy nhược cơ thể, mệt mỏi.... Ngoài ra, các bạn nữ ở tuổi 18 cũng thường hay gặp căng thẳng, stress từ việc học tập và môi trường sống xung quanh, chế độ ăn uống chưa cân bằng dinh dưỡng, lười vận động khiến cho kinh nguyệt không đều.
Con gái 18 tuổi kinh nguyệt không đều có nguy hiểm không?
Chu kỳ kinh nguyệt phụ thuộc vào hoạt động của hệ trục buồng trứng, tuyến yên và vùng dưới đồi. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của hệ trục này mà chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới diễn ra đều đặn mỗi tháng. Thế nhưng, ở độ tuổi 18, nội tiết tố trong cơ thể nữ giới đang thay đổi, các cơ quan sinh dục vẫn chưa phát triển toàn diện nên hoạt động của hệ trục này bị rối loạn. Do đó, tình trạng 18 tuổi kinh nguyệt không đều trong 1 - 2 năm đầu có kinh được xem là bình thường.
Tuy nhiên, nếu tình trạng kinh nguyệt không đều kéo dài mà không được thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp có thể gây ra những triệu chứng rối loạn kinh nguyệt nặng nề hơn. Do đó, các bạn nữ cần chú ý và quan sát cơ thể, nếu nhận thấy kinh nguyệt không đều thường xuyên, kèm theo các biểu hiện bất thường thì nên chủ động thăm khám bác sĩ sớm để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng sinh sản trong tương lai.
18 tuổi kinh nguyệt không đều là hiện tượng hoàn toàn bình thường (Nguồn: Sưu tầm)
Làm gì khi có kinh nguyệt không đều ở tuổi 18?
Tình trạng kinh nguyệt không đều có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Các bạn gái không thể biết chính xác được chu kỳ kinh nguyệt của mình như thế nào để chủ động chuẩn bị trước. Vì vậy, khi thấy xuất hiện tình trạng kinh nguyệt không đều, các bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để giúp ổn định lại chu kỳ kinh của mình.
Tập thể dục thể thao
Tập thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn hơn mà còn tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện tình trạng căng thẳng và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu tập luyện quá nhiều, với cường độ liên tục trong khoảng thời gian dài sẽ khiến nữ giới có nguy cơ bị vô kinh. Do đó, việc rèn luyện thể thao cần đảm bảo khoa học, các bạn chỉ nên vận động nhẹ nhàng cho thể dẻo dai, vừa sức với thời gian khoảng 30 phút/ngày như đi bộ, yoga, bơi lội,…
Bổ sung chất dinh dưỡng
Sự phát triển và hoàn thiện cơ thể nữ giới trong giai đoạn dậy thì đòi hỏi phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Theo đó, để cải thiện và phòng ngừa kinh nguyệt không đều, các bạn nữ cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, cụ thể như sau:
- Ăn uống đúng giờ, đủ bữa và đủ chất với các nhóm dinh dưỡng cần thiết gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh, các loại đậu hoặc những thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, trứng, hải sản,… để tái tạo hồng cầu.
- Uống đủ 2 lít nước/ngày, có thể sử dụng nước ép trái cây và hạn chế uống nước ngọt có gas.
- Không nên bỏ bữa, nhịn ăn hoặc thực hiện chế độ ăn kiêng hà khắc để giảm cân.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, quá mặn hoặc quá cay,... và tuyệt đối không được sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,...
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều (Nguồn: Sưu tầm)
Vệ sinh vùng âm đạo sạch sẽ
Chăm sóc và vệ sinh vùng kín sạch sẽ là một trong những phương pháp giúp duy trì ổn định kinh nguyệt, tránh tình trạng kinh nguyệt không đều và nguy cơ gây các bệnh phụ khoa.
- Lựa chọn loại dung dịch vệ sinh vùng kinh dịu nhẹ, được chiết xuất từ các thành phần tự nhiên và có độ pH phù hợp với âm đạo.
- Không chà rửa âm đạo quá mạnh hoặc tự ý thụt rửa quá sâu khi chưa có sự chỉ dẫn từ bác sĩ.
- Không nên ngâm mình trong bồn tắm hoặc bể bơi quá lâu.
- Thay quần lót hàng ngày, giặt sạch và phơi khô ở những khu vực có nắng, đồng thời cũng nên thay quần lót thường xuyên sau 6 - 12 tháng sử dụng.
- Đến chu kỳ kinh nguyệt, cần phải thay băng vệ sinh 4 -5 lần/ngày để tránh gây viêm nhiễm vùng kín.
Mặc dù tình trạng 18 tuổi kinh nguyệt không đều là điều rất bình thường, tuy nhiên vẫn nên theo dõi và quan sát cơ thể để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau bụng dữ dội, hành kinh trên 7 ngày chưa dứt, ra máu kinh với màu sắc và mùi bất thường,... hoặc tình trạng kinh nguyệt biến mất quá lâu từ 3 tháng trở lên, các bạn nữ cần đến các cơ sở uy tín thăm khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.