Băng kinh là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng băng kinh

băng kinh là gì

Băng kinh là một trong những dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở những bạn gái mới có kinh lần đầu hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh. Nếu mắc phải bệnh này, kinh nguyệt ra nhiều và liên tục trong suốt chu kỳ kinh khiến chị em phụ nữ cảm thấy khó chịu vì phải thay băng vệ sinh thường xuyên, không chỉ gây bất tiện trong công việc, đời sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng kinh là gì? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Kotex tìm hiểu bài viết dưới đây để có thêm kiến thức hữu ích về tình trạng này.

Băng kinh là gì?

Băng kinh ở phụ nữ là tình trạng kinh nguyệt ra nhiều, lượng máu xuất hiện ồ ạt và kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp. Thông thường, trong một chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh mất đi khoảng 50 – 80ml. Tuy nhiên, với tình trạng băng kinh, lượng máu kinh trong một ngày sẽ nhiều hơn, có thể lên đến hơn 200ml. Máu kinh chảy ra ồ ạt khiến chị em phụ nữ phải thay băng vệ sinh thường xuyên từ 2 - 3 lần trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Tình trạng băng kinh không chỉ gây bất tiện trong công việc, đời sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của nữ giới bởi cơ thể mất đi một lượng máu lớn trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng thiếu máu, mệt mỏi, ngất xỉu,...

băng kinh là gì

Băng kinh là tình trạng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp (Nguồn: Sưu tầm)

Nguyên nhân gây ra tình trạng băng kinh

Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng băng kinh là gì? Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều lý do, có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:

U xơ tử cung

U xơ tử cung là tình trạng tử cung xuất hiện các khối u lành tính, có thể tăng kích thước và tạo áp lực lên tử cung. Điều này gây ra rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, xuất hiện băng kinh, đau bụng dữ dội và chướng bụng dưới. Bệnh u xơ tử cung có thể dẫn tới dính tử cung hoặc những biến chứng khác làm giảm khả năng sinh sản và thụ thai ở nữ giới. Tuy nhiên, các khối u xơ rất nhỏ và khó phát hiện ra, do đó chị em cần thăm khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện sớm và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp, tránh u phát triển quá lớn gây những biến chứng nguy hiểm.

băng kinh là gì

U xơ tử cung gây ra rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, xuất hiện băng kinh (Nguồn: Sưu tầm)

Phá thai

Các phương thức phá thai như phá thai nội khoa, nong và gắp thai, nạo hút thai,… cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng băng kinh. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc tránh thai hằng ngày hay thuốc tránh thai khẩn cấp cũng góp phần làm rối loạn hormone trong khoảng 3 tháng đầu, dẫn đến hiện tượng chảy máu giữ chu kỳ kinh.

Vòng kinh không phóng noãn

Vòng kinh không phóng noãn có thể hiểu là buồng trứng không giải phóng được trứng và không rụng xuống theo chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Một trong những biểu hiệu đặc trưng của tình trạng này là băng kinh, ra rất nhiều máu trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, kèm theo triệu chứng đau bụng dữ dội. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính gây ra vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.

Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung là tình trạng tử cung xuất hiện các khối u ác tính xuất phát từ các mô nội mạc tử cung, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, nhất là phụ nữ khoảng 45 tuổi trở lên. Triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung bao gồm xuất huyết âm đạo bất thường, băng kinh, đau vùng bụng dưới và đáy chậu, sụt cân rõ rệt.

Viêm nhiễm phụ khoa

Viêm âm đạo, viêm nhiễm tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây băng kinh ở nữ giới. Nguyên nhân gây nên băng kinh là do tình trạng viêm có thể hình thành các vết tổn thương, vết loét ở niêm mạc tử cung. Nếu viêm nhiễm nặng hơn sẽ gây chảy máu âm đạo bất thường, máu kinh ra nhiều kèm với khí hư có màu khác lạ và mùi hôi khó chịu. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời bởi vi khuẩn có thể lây lan tới các cơ quan khác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

băng kinh là gì

Viêm nhiễm phụ khoa là nguyên nhân phổ biến gây băng kinh ở nữ giới (Nguồn: Sưu tầm)

Băng kinh có nguy hiểm không?

Tình trạng băng kinh kéo dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của nữ giới. Một số hậu quả của băng kinh mà chị em phụ nữ có thể phải đối mặt như:

  • Thiếu máu, suy nhược cơ thể: Băng kinh gây mất máu nhiều và kéo dài trong nhiều ngày, dẫn đến tình trạng thiếu máu khiến chị em thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao, suy nhược cơ thể, thậm chí là ngất xỉu.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa: Máu kinh ra nhiều khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, tấn công cơ thể gây nhiều bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng,…
  • Tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn: Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra tình trạng băng kinh cũng làm ảnh hưởng tới chức năng của tử cung và buồng trứng, vì vậy phụ nữ khó mang thai hơn, làm gia tăng tỷ lệ vô sinh - hiếm muộn.
  • Giảm ham muốn tình dục: Khi gặp phải tình trạng băng kinh, việc quan hệ có thể khiến phụ nữ cảm thấy đau đớn, khó chịu, chảy máu âm đạo, làm giảm ham muốn tình dục.
  • Ảnh hưởng đến nhan sắc của phụ nữ: Băng kinh gây ra sự mất cân bằng các hormone nội tiết trong cơ thể nữ giới, đặc biệt là 2 hormone estrogen và progesterone. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến vóc dáng, làn da, sự tươi trẻ của chị em phụ nữ.

băng kinh là gì

Băng kinh khiến phụ nữ mệt mỏi, thiếu máu, ảnh hưởng đến nhan sắc (Nguồn: Sưu tầm)

Cách khắc phục tình trạng băng kinh

Sau khi biết được nguyên nhân gây băng kinh là gì, hãy tìm hiểu cách khắc phục tình trạng này. Việc làm quan trọng nhất khi thấy kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường chính là chủ động đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và xác định nguyên nhân. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định thuốc điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa để đạt được hiệu quả cao nhất. 

Ngoài tuân thủ các chỉ định y khoa của bác sĩ, để tăng cường hiệu quả điều trị, chị em phụ nữ cũng có thể áp dụng thêm các biện pháp khắc phục băng kinh dưới đây:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, đồng thời chế biến món ăn một cách đơn giản nhất và hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
  • Thói quen sinh hoạt khoa học: Chị em nên duy trì thói quen sinh hoạt khoa học như tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ, giữ tinh thần thoải mái,… để các cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động hiệu quả.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Trong những ngày hành kinh, vấn đề vệ sinh vùng kín là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Chị em cần phải thay băng vệ sinh 3 – 4 tiếng/lần, vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không được thụt rửa âm đạo. Đồng thời cũng hạn chế thủ dâm bằng đồ chơi tình dục bởi việc này có thể làm vùng kín bị tổn thương và kích ứng.

Qua bài viết này, chắc hẳn các chị em đã nắm được khái niệm và nguyên nhân gây băng kinh là gì. Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm, khi thấy kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, chị em cũng nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để bệnh không tiến triển nặng hơn.

Kimberly-Clark makes no warranties or representations regarding the completeness or accuracy of the information. This information should be used only as a guide and should not be relied upon as a substitute for professional medical or other health professional advice.